Hotline: 0936 567 345
Số 25 Đường 23 (Phạm Văn Đồng), Q. Thủ Đức, Tp.HCM
Kinh doanh: sales@vietsol.net - Hỗ trợ: support@vietsol.net

Web công “chết”, vì đâu?

Nếu xét tiêu chí hiệu quả là "sự sống" của các Website (có người truy cập, nội dung thông tin luôn đổi mới và hữu ích), thì tỷ lệ hiệu quả của các website Hà Nội chỉ đạt vỏn vẹn 7%! Chuyện về những trang web "chết" - nội dung tĩnh, không cập nhật, không cung cấp dịch vụ, ít người truy cập... không phải là chuyện mới. Chỉ cần tra từ "Web chết” trên cỗ máy tìm kiếm Google cũng đã ra được vô số những bài báo nói về câu chuyện này.

Song đặt trong bối cảnh lợi ích và hiệu quả thực sự mang lại cho người dân và doanh nghiệp, rộng ra là cả nền kinh tế, xã hội thì câu chuyện trên vẫn còn khá nhiều chuyện đáng bàn.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước và nhiều bộ ngành đã mở website (và "hoành tráng" hơn là cổng thông tin điện tử). Đây là sản phẩm của một phong trào tin học hóa rầm rộ diễn ra trong mấy năm vừa qua nhờ tinh thần lên cao từ Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước (Đề án 112), khiến nhiều người đã phải thốt lên rằng đó thực sự là một "phong trào xây cổng (điện tử)".

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội

Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội

Nhưng xây cổng xong, khi khách bước vào thì phần nhiều vẫn là cảnh "vườn không, nhà trống". Cái mà đa số người dân và doanh nghiệp cần đằng sau những chiếc cổng điện tử hoành tráng đó là thông tin (và phải là thông tin hữu ích) thì rất hiếm có, dịch vụ công cung cấp cho người dân lại càng hiếm hơn. ở những đơn vị, tổ chức nào có lãnh đạo am hiểu và say mê với ứng dụng CNTT thì ở đó phong trào còn khá, tức là còn có thông tin và dịch vụ công được cung cấp. Còn ở những nơi khác lãnh đạo theo đúng tinh thần "phong trào" thì ở đó chỉ có thông tin "ươn".

Chưa có ai thống kê được rằng trong 5 - 7 năm qua, với phong trào dựng website và xây cổng như thế, ngân sách và tiền bạc của Nhà nước đã được đổ vào đó là bao nhiêu. Nhưng cứ thử nhẩm tính một cách đơn giản rằng dự án xây dựng một website chắc chắn chi phí được tính bằng hàng chục triệu đồng, còn với mô hình cổng thông tin điện tử, con số chi phí hẳn không thể tính dưới con số hàng tỉ đồng, thì hẳn sẽ tạm hình dung ra được rằng chi phí xây web, dựng cổng là lớn đến chừng nào. Và nếu chỉ cần nhìn ở mức hiệu quả 7% như ở Thủ đô, chắc chắn nhiều người trong số chúng ta không khỏi giật mình. Giật mình về sự lãng phí, về sự kém hiệu quả.

Với mỗi một sự yếu kém, đặc biệt là yếu kém trong các cơ quan Nhà nước, bao giờ ai đó cũng đưa ra được một, hoặc một vài lý do nào đó để biện minh. Chẳng hạn như trong câu chuyện này, lý do thường được nhắc đến là thiếu cơ chế chi phí cho xây dựng và phát triển nội dung trên web, rồi những người làm trang web đa phần là "dân công nghệ" chứ không phải là người làm báo chí, thông tin, rồi thiếu động lực để làm nội dung... Nhưng một điều mà người ta thường hay quên, đó là cơ chế gì thì cũng xuất phát từ con người mà ra, chứ chẳng hề từ trên trời rơi xuống.

Khi một doanh nghiệp mở website, hẳn là họ đã nhìn thấy ở đó lợi ích và hiệu quả của Internet giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu hay kinh doanh điện tử. Còn khi một cơ quan nhà nước mở website, quả thực không dễ để nhìn ra động lực ở đằng sau một dự án ứng dụng CNTT tiêu tiền Nhà nước. Động lực đó chỉ có thể đến khi những cơ quan hành chính đặt mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu, đặt lợi ích quốc gia là tối thượng. Nhưng rõ ràng, động lực đó không phải xuất phát từ những người làm CNTT.

Theo ICTnews