Hotline: 0936 567 345
Số 25 Đường 23 (Phạm Văn Đồng), Q. Thủ Đức, Tp.HCM
Kinh doanh: sales@vietsol.net - Hỗ trợ: support@vietsol.net

Thương mại điện tử tại Việt Nam: Những bước tiến nhảy vọt

Trao đổi với phóng viên Báo BĐVN về sự phát triển của thương mại điện tử trong khối doanh nghiệp và người dùng cá nhân tại Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Thành Phúc – Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) đã khẳng định thương mại điện tử tại VN đã có những bước tiến nhảy vọt.

Khối doanh nghiệp: đạt gần 100%

Theo ông Nguyễn Thành Phúc, sau bốn năm triển khai “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) giai đoạn 2006-2010” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 (Quyết định 222), tính đến nay TMĐT không chỉ còn tập trung tại doanh nghiệp của hai thành phố lớn là Hà NộiTP. Hồ Chí Minh, mà còn phát triển rộng khắp cả nước.

Riêng trong các doanh nghiệp, theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương với hơn 2.000 doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2009, thì gần như 100% các doanh nghiệp đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau từ trang bị máy tính (trung bình mỗi doanh nghiệp có 25,8 máy tính), kết nối Internet dưới nhiều hình thức khác nhau, khai thác ứng dụng cơ bản của TMĐT như thư điện tử (86% doanh nghiệp sử dụng email cho mục đích kinh doanh, trong đó tỷ lệ sử dụng của các doanh nghiệp lớn là 95%, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 78%), sử dụng các phần mềm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (92% doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự (43%), quản lý chuỗi cung ứng (32%), quản lý khách hàng (27%)...

Có thể nói, việc ứng dụng TMĐT đã góp phần tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với chi phí đầu tư cho thương mại điện tử và CNTT chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí, nhưng trung bình 33% doanh thu của doanh nghiệp là từ các đơn đặt hàng qua phương tiện điện tử và doanh nghiệp cũng dành bình quân 28% chi phí mua hàng cho việc đặt hàng qua các kênh điện tử.

Bên cạnh đó, đến nay phần lớn doanh nghiệp cũng chú ý và sử dụng những dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp. Các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng rất quan tâm, chú trọng tới vấn đề quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Đến nay, nhiều Bộ, ngành đã cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 như thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eC/O) của Bộ Công thương, thủ tục hải quan điện tử thí điểm của Bộ Tài chính... Trên toàn quốc, 18 địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, trong đó có nhiều dịch vụ liên quan tới thương mại như cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy phép thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... Một số lĩnh vực khác như hải quan điện tử, ứng dụng thương mại điện tử vào mua sắm Chính phủ, ngân hàng..., thanh toán điện tử cũng phát triển khởi sắc.

Cá nhân: ứng dụng ngày càng nhiều

Về phía người tiêu dùng và cộng đồng xã hội, đến nay, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn đã khá quen thuộc với việc mua sắm nhiều loại hàng hoá, dịch vụ qua website thương mại điện tử như vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại di động, máy tính, sách, tour du lịch, phòng khách sạn... Bên cạnh đó, các dịch vụ nội dung trên nền điện thoại di động phát triển mạnh trong hai năm 2008-2009 cũng giúp cho số lượng người tiêu dùng tiếp cận với loại hình giao dịch TMĐT trên điện thoại di động (m-commerce) tăng nhanh. Với tỷ lệ hộ gia đình được kết nối Internet vào cuối năm 2009 là 9,2% và số thuê bao di động đạt mức cao, việc triển khai ứng dụng TMĐT tới mọi thành phần người tiêu dùng trong xã hội đang có nhiều thuận lợi.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phúc, đến năm nay  có thể khẳng định việc ứng dụng CNTT trong thương mại là một bức tranh có khá nhiều gam màu sáng. Trong suốt thời gian khoảng 10 năm qua là khoảng thời gian chứng kiến sự "xâm nhập" của Internet vào nước ta; sự hình thành, phát triển và trải nghiệm sâu sắc của thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của công nghệ nói chung, CNTT nói riêng, các ứng dụng CNTT trong thương mại chắc chắn sẽ ngày càng phát triển về chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của quá trình tin học hóa, hiện đại hóa kinh tế – xã hội đất nước.

 
(Theo IctNews)