Những biến động lớn về công nghệ nửa đầu 2011
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thế giới công nghệ đã diễn ra nhiều sự kiện gây chấn động, có khả năng đe dọa "ngôi vương" của những tên tuổi lớn hiện nay như Facebook, Nokia, Skype...
Bắt đầu bằng việc mạng PlayStation Network của Sony bị nhóm hacker nổi tiếng Anonymous tấn công vào tháng 4, thế giới bắt đầu chứng kiến hàng loạt vụ thâm nhập và đánh sập website của CIA, FBI, Thượng viện Mỹ, chính phủ Malaysia... với sự nổi lên của nhóm tin tặc LulzSec. Cả hai nhóm này tuyên bố sẽ lôi mọi bí mật đen tối của các chính phủ ra ánh sáng. Tuy nhiên, trước việc bị lộ thông tin thành viên, LulzSec phải tuyên bố giải tán nhưng Anonymous và một số nhóm khác vẫn đang tiếp tục hoành hành.
Điện toán đám mây đã được nhắc đến từ 2007, nhưng năm 2011 đánh dấu bước tiến quan trọng của xu hướng này khi Amazon trình làng dịch vụ nhạc Amazon Cloud Player. Google nhanh chóng tiếp bước với Google Music cho phép chơi mọi thể loại nhạc trên web và điện toán đám mây chính thức trở thành đề tài nóng của năm khi Apple trình diễn iCloud đầu tháng 6.
Với sự thống trị của Windows trên thị trường hệ điều hành, mỗi phiên bản mới của nó luôn là một sự kiện lớn với cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Microsoft đã phát triển Windows 8 hơn một năm nhưng không hề tiết lộ về sản phẩm này. Phải đến đầu tháng 6, tập đoàn phần mềm Mỹ mới công bố những hình ảnh đầu tiên về hệ điều hành với trải nghiệm hoàn toàn mới từ lõi tới giao diện và được tối ưu hóa cho màn hình cảm ứng.
Giữa tháng 4, hai nhà nghiên cứu đã phát hiện một file ẩn bên trong iPhone lưu lại chi tiết về thời gian, địa điểm những nơi mà người dùng đã tới. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận trên điện thoại Android, dù không chi tiết như trên thiết bị của Apple. Điều này làm dấy lên những mối lo ngại về vấn đề bảo mật, sự riêng tư khi sử dụng smartphone.
Những ngày cuối tháng 6, Google tung ra dịch vụ mạng xã hội mới Google Plus và đã gây sốt trên khắp thế giới dù mới chỉ được thử nghiệm hạn chế. Giới phân tích nhận định hãng này đang đi đúng hướng và có một số tính năng đột phá mà Facebook cũng sẽ phải học hỏi theo.
Tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft và dịch vụ VoIP lớn nhất thế giới Skype đã có vụ "xe duyên" lên tới 8,5 tỷ USD vào tháng 5, mang đến lợi thế quan trọng cho Microsoft trên thị trường di động khi họ tích hợp công cụ đàm thoại qua Internet này vào những thiết bị Windows như điện thoại, tablet...
Một chiến thắng đáng kể khác của Microsoft trong tham vọng tiến vào thị trường di động là đạt được thỏa thuận hợp tác với hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia trong tháng 2. Theo đó, Nokia sẽ bỏ hệ điều hành Symbian để biến Windows Phone 7 thành nền tảng chính trong các dòng điện thoại. Tuy nhiên, sự thay đổi này khiến nhiều người nghi ngờ Nokia sẽ tiếp tục tụt dốc và đánh mất vị trí số một.
Google, Microsoft, Mozilla cùng tung ra những phiên bản mới Chrome 12, Internet Explorer 9, và Firefox 4-5. Những trình duyệt này đều có giao diện đơn giản, hoạt động nhanh hơn, hỗ trợ HTML5, khiến cuộc đua trình duyệt diễn ra gay cấn trong những tháng đầu năm.
6h sáng 15/4 (giờ Hà Nội), châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới chính thức hết địa chỉ IPv4. Việc triển khai và sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc đối với tất cả các tổ chức tham gia hoạt động trên Internet.
Châu An