Hotline: 0936 567 345
Số 25 Đường 23 (Phạm Văn Đồng), Q. Thủ Đức, Tp.HCM
Kinh doanh: sales@vietsol.net - Hỗ trợ: support@vietsol.net

Thương mại điện tử và ứng dụng trong marketing

Trong  quá trình xây dựng và phát triển  thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, bên cạnh những phương tiện quảng cáo truyền  thống như TV, báo, tạp chí, Internet đóng vai trò quan trọng và là  một phương tiện hiệu quả, tiết kiệm trong việc xây dựng nhận thức của người  tiêu dùng đối với một thương hiệu. Người làm marketing có thể sử  dụng tất cả những ứng dụng của trang web, nhằm quảng cáo, tăng cường  quan hệ với công chúng, xây dựng những cộng đồng trên mạng để tạo những  ấn tượng tốt cho thương hiệu.    Marketing điện tử khuyến khích người  tiêu dùng tham gia tích cực vào phát triển  thương hiệu, đọc thông tin về sản phẩm, hướng dẫn cụ thể cách sử  dụng. Hiệu quả phát triển thương hiệu của những tập đoàn lớn như Fedex,  Charles Schwab, The New York Times, Nike, Levi Strauss, Harley Davidson  đã chứng minh vai trò của marketing điện tử trong chiến lược marketing  thế kỷ 21.  

  • Marketing trực tiếp:    Nhiều  nhà marketing đặt ra những mục tiêu cụ thể hơn trong chiến lược  marketing trên mạng là sử dụng Internet thực hiện marketing trực tiếp.  Internet tiết kiệm tối thiểu chi phí và đem lại hiệu quả lớn hơn nhiều  so với phương pháp gửi quảng cáo bằng thư truyền thống: không tem, không  phong bì, không tốn giấy và các chi phí khác. Trên cơ sở dữ liệu về  người tiêu dùng, nhà marketing có thể gửi hàng triệu e-mail bằng một lần  nhấn chuột, hoặc có thể sử dụng chương trình tự động gửi e-mail cho  từng nhóm khách hàng hoặc từng khách hàng những nội dung phù hợp với đặc  điểm nhóm này.

 

  • Bán  hàng trên mạng:    Người tiêu dùng có thể tìm thấy mọi thứ  mình cần trên mạng từ chocolate đến ô-tô. Amazon.com từng có doanh số  bán sách 32 triệu USD trong năm đầu khai trương cửa hàng trên mạng.

 

  • Hỗ trợ tiêu dùng:     Hỗ trợ tiêu dùng và khách hàng là một trong những ưu điểm quan trọng của  Marketing điện tử mà nhiều công ty không chú ý đến. Hiện nay, hỗ trợ  tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở dạng sơ khai dưới hình thức các câu hỏi  khách hàng thường hỏi (FAQs-Frequent Asked Questions). Những hình thức  khác doanh nghiệp có thể áp dụng là trả lời thắc mắc của khách hàng,  email trả lời tự động, thông tin cập nhật, diễn đàn người tiêu dùng, tán  chuyện trên mạng…

 

  • Điều  tra thị trường:    Internet mang lại hiệu quả cao trong  nghiên cứu thị trường, thông qua xây dựng hệ thống dữ liệu khách hàng  cập nhật và đầy đủ. Điều tra thị trường qua mạng tiết kiệm chi phí cho  doanh nghiệp và thời gian cho khách hàng. Đồng thời, độ tin cậy của điều  tra cũng có thể được kiểm tra chặt chẽ bằng cách kết hợp thông tin từ  nhiều nguồn khác nhau.

 

  • Theo dõi hành vi người tiêu dùng:    Máy chủ cho  phép doanh nghiệp theo dõi từng động thái của khách hàng mỗi khi khách  hàng xâm nhập vào mạng của công ty: thời gian trên mạng, mở những trang  web nào, chọn và mua những sản phẩm gì, đã mở trang web có sản phẩm đó  bao nhiêu lần, quan tâm tới nhóm sản phẩm nào, ưa thích màu gì, thường  chọn cỡ sản phẩm nào… Thông tin này cho phép người làm marketing giới  thiệu sản phẩm phù hợp hoàn toàn với nhu cầu của từng cá nhân khách  hàng.

 Thách thức trong phát triển thương mại điện  tử đối với doanh nghiệp  Một công trình điều tra thị trường do E-CommerceNet.com tiến  hành trên cơ sở 1000 phiếu điều tra, trong đó 80% từ các nước châu Á đã  rút ra 10 yếu tố cơ bản hạn chế doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia  thương mại điện tử là:

  • Vấn  đề an ninh và mã hoá
  • Độ tin cậy thấp và rủi ro lớn  trong giao dịch thương mại điện tử
  • Thiếu đội ngũ cán  bộ có trình độ kinh doanh và tin học cần thiết
  • Thiếu  mô hình kinh doanh thương mại điện tử phù hợp cho từng quốc gia có mức  độ phát triển mạng Internet
  • Trở ngại văn hoá trong  phát triển thương mại điện tử
  • Đối tượng tham gia  thương mại điện tử giới hạn trong nhóm người thuộc tầng lớp trí thức và  thu nhập cao
  • Thương mại điện tử đòi hỏi những thay đổi  căn bản trong cơ cấu tổ chức và quản lý của doanh nghiệp
  • Rủi  ro xuất phát từ gian lận thương mại, nguy cơ hàng giả rất cao trong  thương mại điện tử
  • Tốc độ kết nối mạng Internet ở các  nước đang phát triển, đặc biệt là ở Việt Nam rất chậm
  • Các  vấn đề luật pháp

 Thách thức đối với quá trình marketing trên  nền tảng thương mại điện tử  Mặc dù mang lại những lợi ích kinh tế lớn, thương mại điện tử  cũng đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với người làm marketing,  đặc biệt trên thị trường quốc tế.

  • Khó khăn trong xây dựng  nhãn hiệu toàn cầu:    Câu hỏi đặt ra đối với nhà marketing  quốc tế là nên xây dựng một nhãn hiệu toàn cầu hay xây dựng nhãn hiệu  khác nhau phù hợp với văn hoá từng địa phương? Nên xây dựng các trang  web với hình thức và nội dung căn bản giống nhau hay có thay đổi ở từng  quốc gia? Có nên đăng ký địa chỉ trang web khác nhau ở các quốc gia khác  nhau hay không? P&G đã sử dụng tới 134 địa chỉ trang web khác nhau ở  các quốc gia khác nhau nhằm giới thiệu các sản phẩm đa dạng của  P&G.

 

  • Thương mại  điện tử tạo lực lượng cạnh tranh mới:    Với chi phí  marketing không cao, hiệu quả kinh tế có thể xác định rõ, thương mại  điện tử giúp các doanh nghiệp mài giũa các công cụ cạnh tranh như giá,  quảng cáo và các thông tin marketing khác ngày càng sắc bén và hiệu quả  hơn. Nhưng cũng chính tiện ích của thương mại điện tử lại gây ra nhiều  lực lượng cạnh tranh đối với một sản phẩm từ nhiều phía.

 

  • Hiệu quả ngược của marketing điện tử:    Quảng cáo điện tử có thể gây ra những hiệu quả marketing ngược khi  quảng cáo ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của từng cá nhân tiêu dùng.  Tâm lý chán ghét và không tin vào quảng cáo đã xuất hiện ở nhiều quốc  gia. Người tiêu dùng cảm thấy luôn bị theo dõi mọi hành vi mua hàng và  trong cuộc sống, quảng cáo xuất hiện mọi nơi mọi lúc. Bởi vậy, nhà  marketing cần thiết phải sử dụng thương mại điện tử thông qua các công  cụ marketing có sự cho phép của người nhận thông tin, nhằm hạn chế tối  thiểu tác động tiêu cực của marketing điện tử.

 Quả thật, thương mại điện tử luôn là một  giải pháp kinh doanh hữu hiệu mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần phải  hướng tới trong tương lai. Và để thương mại điện tử thật sự phát huy hết  ưu thế trong các hoạt động marketing và kinh doanh, các doanh nghiệp  cần chủ động đề ra những chiến lược thích hợp để vượt qua những thách  thức khó khăn của thương mại điện tử.

(Sưu tầm)