Tìm hiểu về Google Pagerank
SEO được ra đời từ rất lâu ngay sau khi các bộ máy tìm kiếm ra đời và khái niệm về Google PageRank có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay vẫn còn khá nhiều người hiểu khá mơ hồ về khái niệm này hoặc hiểu về nó quá đơn giản.
Bài viết này hi vọng sẽ giúp các bạn có thể hiểu được Google PageRank tốt hơn để có thể vận dụng tối đa các kiến thức SEO sao cho tăng Google PageRank hiệu quả.
Tăng PageRank hiệu quả ở đây cũng bao gồm hàm ý về thứ hạng của website mà bạn làm SEO trên bộ máy tìm kiếm. Và như vậy cũng có nghĩa là không nhất thiết phải có PR cao thì mới có thể có thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm. Nhưng để đi sâu vào vấn đề này thì còn có rất nhiều tiêu chí để nói đến. Bài viết này chỉ đề cập chính đến Google PageRank.
Google PageRank là gì?
Thực chất Google PageRank được phát triển từ khái niệm PageRank phát minh ra bởi Larry Page vào những năm 1990 để đánh giá độ tương thích và quan trọng. Có lẽ đa phần các bạn khi đọc đến đây đều liên tưởng đến chỉ số PR mà hàng ngày các bạn đang theo dõi và tăng cho nó. Xin phép nói rõ hơn, Google PageRank mà tôi đang nói không phải như vậy. Nó thực chất đúng như ở trên đã đề cập, nó chính là tiêu chí được dùng để xếp hạng trên kết quả tìm kiếm. Và cái mà đa phần các bạn đang liên tưởng tới chỉ là chỉ số Google PageRank thể hiện trên toolbar với hệ số 10.
Như vậy, để hiểu về khái niệm Google PageRank thì có 2 phần. Một phần là Google PageRank thật (Real PageRank), một phần là chỉ số PageRank thể hiện trên toolbar (Toolbar PageRank). Từ đây, khi tôi nói PageRank sẽ ám chỉ Real Pagerank, còn PageRank hiển thị trên toolbar sẽ được gọi là Toolbar PageRank.
Google PageRank có cơ chế và hoạt động như thế nào?
Hai khái niệm dưới đây sẽ mô tả cụ thể và rõ ràng hơn về hoạt động và cơ chế của Google PageRank.
1. Real PageRank
Tất nhiên sẽ không dễ để bạn có thể hình dung được chính xác Google PageRank thật nó như thế nào. Bởi vì Google PageRank hầu như luôn thay đổi và có lẽ là không có giới hạn theo thời gian. Nó không phải là chỉ Toolbar PageRank mà hàng ngày bạn nhìn thấy trên các toolbar (hệ số 10). Mà con số này xuất phát từ 0.15 cho đến không giới hạn dựa theo công thức tính PR. (Xem thêm: Google PageRank những điều cần biết)
Một ví dụ cụ thể, trang web của bạn khi khởi đầu có PR 0.15, sau 10 ngày lên PR 3, sau 100 ngày lên PR80,... sau x ngày lên PRn... Và lượng PR này được chia sẽ từ các backlinks.
Tại sao PR80? Xin nhấn mạnh lại rằng, chúng ta đang nói đến Real PageRank, tức PageRank thật. Và chỉ số PR này là độ tương thích và quan trọng (relevant & important).
2. Toolbar PageRank
Toolbar PageRank là chỉ số được scale lại thành hệ số 10 từ Real PageRank. Việc scale lại từ PageRank thành Toolbar PageRank được thông qua một thuật toán logarith (và chỉ có Google mới biết là nó cụ thể như thế nào). Và như vậy có nghĩa là không phải một trang web có Toolbar PageRank 4 sẽ có PageRank gấp đôi một site có Toolbar PageRank 2. Hình ảnh dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn.
Hình bên trên chỉ là hình ảnh mô tả cho bạn dễ hình dung, các con số tương ứng giữa Toolbar PageRank và PageRank ở trên không thật sự chính xác. Tuy nhiên, đến đây chắc có lẽ các bạn cũng đã hình dung được vì sao càng lên cao thì càng khó tăng được Toolbar PageRank hay thậm chí đôi khi Toolbar PageRank của bạn bị tụt sau những lần cập nhật của Google.
3. Tính giới hạn của PageRank
Sự giới hạn về Google PageRank trên thực tế là không có. Hãy thử nghĩ, trong một cuộc cạnh tranh SEO có 10 người, tạm xem người đứng top là một giới hạn ở thời điểm nào đó (tương đương với Toolbar PageRank là 10). Tất nhiên người đứng top này sẽ không dừng việc làm SEO của mình để giữ vị trí dẫn đầu, tức tăng Real PageRank nhưng Toolbar PageRank vẫn là 10.
Cũng giống như việc giáo viên chấm điểm cho những môn mang tính nghệ thuật. Bởi vì điểm tối đa luôn luôn là 10, cho nên cách tốt nhất là tìm người có điểm cao nhất để chấm rồi trừ ngược lại cho những người có chất lượng thấp hơn. Ở kỳ thi sau, đặt trường hợp kỳ thi này có những tiêu chí sàng lọc về chất lượng tốt hơn, người điểm 10 ở kỳ thi này tất nhiên sẽ hơn người điểm 10 ở kỳ thi trước. Và như vậy, nếu gộp tất cả các bài thi lại và chấm điểm thì người điểm 10 ở kỳ thi trước chỉ còn điểm 9 hay 9.5 chẳng hạn.
Hay thêm một ví dụ khác cho dễ hiểu, trước hết chúng ta đặt giả thiết là cứ 1 backlink cho 1 trang thì xem như nó có PageRank là 1. Google.com là trang có PR 10 ở tại thời điểm t1 với 1.000.000 backlinks ~ 1.000.000 Real PageRank. Đến thời điểm cập nhật Toolbar PageRank t2 Google đã tăng thêm được 100.000 backlinks ~ Real PageRank là 1.100.000. Và như thế, áp dụng thuật toán sử dụng hàm logarith vào thì tất yếu ngưỡng để đạt được Toolbar PR9 cũng sẽ có Real PageRank cao hơn ở lần t1. Giả sử như ở thời điểm T1 trang Twitter có một lượng Real PageRank nào đó và có PR9, nhưng so với t2 nó không hề được tăng một lượng backlink nào hoặc tăng quá ít, tình trạng này sẽ làm cho Toolbar PageRank của Twitter bị tụt xuống.
Ở đây cũng chỉ là ví dụ cho bạn dễ hiểu, còn thực tế để đánh giá cho hàng tỉ website trên thế giới này vào hệ số 10 thì có nhiều điều phức tạp bên trong. Đến đây, chắc có lẽ bạn cũng đã hình dung được vì sao có một số website bị tụt PR sau khi Google cập nhật Toolbar PageRank.
4. Cập nhật PageRank
Có lẽ hầu như ai cũng biết Google thường hay cập nhật PageRank với chu kỳ từ 2 - 6 tháng một lần (có những lúc được xem như ngoại lệ, có khi lên đến cả năm). Thế nhưng trên thực tế, chu kỳ cập nhật PageRank đó cũng chỉ là chu kỳ cập nhật Toolbar PageRank, PageRank thực tế gần như được cập nhật thường xuyên. Điều này thể hiện cho việc thứ hạng của bạn thay đổi trên kết quả tìm kiếm của Google.
Qua những phần đã giải thích ở trên, hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn chính xác hơn về Google PageRank và hiểu được tại sao mỗi lần Google cập nhật Toolbar PageRank mà sao site của mình không tăng hoặc thậm chí bị giảm. Ngoài ra, theo quan điểm của tôi thì có nhiều ý kiến nhận định theo kiểu đại loại như "Google đã bỏ PageRank" hoặc "Google không còn quan tâm nhiều đến PageRank" là những nhận định hoàn toàn sai lầm. Bởi vì nếu hiểu Google PageRank theo tiêu chí chuẩn xác là "Độ tương thích và quan trọng" của một trang web thì nó vẫn phải luôn tồn tại với bộ máy tìm kiếm, chỉ có điều nó có thể thay đổi phương pháp định lượng mà thôi.
www.vietsol.net
Bài viết này được biên soạn lại từ bài gốc Tìm hiểu về Google PageRank.