Hotline: 0936 567 345
Số 25 Đường 23 (Phạm Văn Đồng), Q. Thủ Đức, Tp.HCM
Kinh doanh: sales@vietsol.net - Hỗ trợ: support@vietsol.net

Google index là gì? Tìm hiểu về cơ chế hoạt động của Googlebot

Khái niệm Google index có lẽ không còn xa lạ đối với người làm SEO. Ở bài viết này, Viet Solution sẽ giới thiệu về Google index đến bạn đọc bắt đầu muốn tìm hiểu về SEO/SEM, hoặc những bạn làm website muốn tìm hiểu để website được Google index tốt hơn.

Khái niệm Google index

Để hiểu về khái niệm Google index, trước hết cần định nghĩa về khái niệm index.

Index là gì?

Index từ tiếng Anh được dịch nghĩa là chỉ mục, là một tập các thông tin được sắp xếp theo một quy luật nào đó, hoặc theo Alphabetical (1-9 & A-Z) nhằm giúp cho việc tra cứu thông tin dễ dàng. Tuỳ theo mức độ và quy mô lượng thông tin mà quá trình index sẽ có chia nhỏ theo chủ đề, chuyên mục,... nhưng vẫn có tính sắp xếp theo quy luật.

Ở Việt Nam, có lẽ không ít người hay nghe đến khái niệm VNIndex, VNIndex được hiểu rộng rãi là các chỉ số chứng khoán trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tương tự, các sàn chứng khoán đều sẽ đặt tên riêng đi kèm với khái niệm index. Index trong chứng khoán là một bảng dữ liệu nhằm giúp tra cứu thông tin chứng khoán một cách nhanh chóng.

Trong đời sống hàng ngày, index cũng được dùng rộng rãi như việc lập bảng danh sách học sinh theo Alphabetical, danh sách nhân viên trong công ty, danh sách người tham gia một sự kiện. Hay trong một thư viện, nhà sách, các quyển sách cũng được sắp xếp theo chủ đề, theo thứ tự nhất định để dễ dàng tra cứu và tìm kiếm sách.

Google index là gì?

Google index là một tập hợp cơ sở dữ liệu khổng lồ được sắp xếp chỉ mục trên hệ thống máy chủ ứng dụng các phần mềm với thuật toán sắp xếp của Google (được ám chỉ là Googlebot, hay Spider). Google index còn được hiểu là quá trình Google sắp xếp dữ liệu website được thu thập (Crawl). Từ đó, sắp xếp thứ hạng website trả về kết quả khi người dùng tìm kiếm.

Như vậy, theo định nghĩa ở trên, cần phân biệt rõ quá trình thu thập dữ liệu (Crawl)quá trình thiết lập chỉ mục (Index). Việc phân biệt và hiểu rõ khái niệm sẽ giúp bạn dễ dàng xác định và phân tích vấn đề trong quá trình phân tích SEO cho website sau này. Thực tế có khá nhiều SEO mặc dù có kinh nghiệm làm SEO nhưng vẫn chưa phân biệt rõ hai khái niệm này. Tất nhiên là hai quá trình này có sự hỗ trợ và liên quan mật thiết đến nhau.

Quá trình thu thập dữ liệu hay crawl dữ liệu chỉ là quá trình các Spiders (con nhện) bò (crawl) trên website (hệ thống mạng nhện) để tìm kiếm và thu thập thông tin mang về hệ thống cơ sở dữ liệu lưu trên máy chủ Google. Đến đây chắc có lẽ bạn cũng hiểu tại sao gọi Googlebot là Spider và hành động thu thập dữ liệu là Crawl.

Sau quá trình crawl dữ liệu, Google đã có dữ liệu trên hệ thống máy chủ của mình. Việc kế tiếp của họ là sắp xếp thông tin sao cho khi người dùng tìm kiếm dữ liệu, Google sẽ trả về kết quả tương thích nhất cho người dùng. Để đạt được mục đích chính "mang nội dung tương thích nhất cho người dùng tìm kiếm", Google cần phải có phương pháp phân loại thông tin, sắp xếp hợp lý và khoa học. Các phương pháp này sẽ được triển khai vận hành thông qua hệ thống phần mềm máy tính (hay công cụ) được lập trình bởi các thuật toán tạo ra bởi các kỹ sư của Google.

Chính vì vậy, nếu bạn quan tâm đến SEO, bạn sẽ thường xuyên nghe đến việc Google cập nhật thuật toán làm thay đổi kết quả tìm kiếm (SERPs). Hay chuẩn bị cho điều này nếu bạn thật sự muốn dấn thân vào nghiệp làm SEO và trở thành một người làm SEO chuyên nghiệp.

Cơ bản về cơ chế hoạt động của Google

Qua hai định nghĩa ở trên, chắc hẳn bạn đã phần nào mường tượng ra được về cơ chế hoạt động của Google. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn, hãy cùng tìm hiểu tiếp cơ bản về cơ chế hoạt động của Google dưới đây.

Google crawl website của bạn như thế nào?

Như khái niệm đã định nghĩa ở trên về quá trình Google crawl dữ liệu, hãy tưởng tượng website của bạn như một ngôi nhà. Để Google crawl được website thì trước hết Google cần biết đến có sự tồn tại website của bạn để Google liệt kê website bạn vào danh sách cần thu thập dữ liệu. Việc kế tiếp là bạn cần phải có con đường dẫn đến nhà mình.

Để Google biết đến sự tồn tại website của bạn, bạn cần phải cung cấp thông tin cho Google thông qua nhiều hình thức. Cơ bản sẽ có hai hình thức dưới đây:

  1. Thông báo cho Google về website của mình: sử dụng công cụ Google cung cấp như Google Webmaster Tools để submit website. Với phương pháp này, Google chắc chắn sẽ ghé thăm website của bạn trong thời gian sớm nhất có thể. Nhanh hay chậm là tuỳ vào mức độ bận rộn của Google bot và độ ưu tiên công việc của những con bot này với danh sách website được thông báo và gửi yêu cầu index.
  2. Xuất hiện ở nơi mà Google nhìn thấy: Với những website mà Google đã biết đến, tuỳ theo độ quan trọng và mức độ cập nhật của các website ấy, Googlebot sẽ có mật độ ghé thăm. Việc bạn hiện diện bằng cách đặt liên kết từ website này sẽ giúp Google biết được sự tồn tại của bạn. Với phương pháp này, việc bạn cần làm là chia sẻ website của bạn lên các website mạng xã hội hay đặt liên kết từ các website khác mà bạn có thể.

Để bảo đảm Google crawl website của bạn và index một cách nhanh nhất, bạn có thể áp dụng đồng thời cả hai phương pháp trên.

Như trên đã nói, điều kế tiếp để Google crawl được sau khi biết đến sự tồn tại website là có con đường dẫn đến website. Con đường này chính là đường truyền Internet. Điều này có vẻ quá thừa vì hầu hết các website đang hoạt động tất yếu sẽ có kết nối mạng Internet. Thế nhưng, bạn cũng đừng quá chủ quan, đôi khi vẫn có những tình huống hi hữu khiến cho Googlebot không thể truy cập website mà khi gặp bạn cần phải kiểm tra những điều này:

  1. Tốc độ đường truyền quá chậm: Internet hiện tại đang khá tốt, tuy nhiên nếu tốc độ đường truyền quá chậm sẽ dẫn đến time out hoặc Google không thể tải nổi toàn bộ trang web.
  2. Mất kết nối: Có những lúc do cấu hình server chưa mở kết nối tốt, Googlebot không thể truy cập website của bạn.
  3. Vô tình chặn Googlebot: Có những lúc khi website còn đang giai đoạn thiết kế và chạy demo mà chưa chính thức hoạt động, các kỹ sư lập trình web vì muốn hạn chế việc Google index trang lỗi nên chặn Googlebot. Tuy nhiên sau khi site hoạt động, họ quên bỏ chặn Googlebot.

Bạn có thể tự kiểm tra bằng kinh nghiệm kỹ thuật của mình, hoặc sử dụng công cụ Googlebot và ứng dụng tính năng Fetch as Googlebot xem phản hồi của Googlebot thế nào để khắc phục.

Tương tự như thế, sau khi Google đã đến gõ cửa và bắt đầu tham quan lãnh địa của bạn, hãy hình dung mỗi trang web trên hệ thống website của bạn là một khu vực, các khu vực này sẽ được nối với nhau bằng những con đường hay cây cầu. Trong chuyến tham quan này, Google sẽ cố gắng ghi nhận toàn bộ các thông tin mà mình thu thập được. Đừng để chuyến tham quan này thiếu trọn vẹn và phải mời Google đến nhiều lần bởi những khu vực chưa hoàn thành, hay những khu vực không thể đến bởi con đường bị chặn. Có những lãnh địa rộng lớn khiến tạo ra những nơi rất sâu Google cũng không thể đi hết nổi sau vài lần ghé thăm.

Nên nhớ, những ấn tượng đầu tiên khá quan trọng, nếu nhiều lần ghé thăm Google không ghi nhận tốt, Google sẽ giảm dần mức độ ghé thăm. Thậm chí trong một số tình huống xấu nhất, những nhà thám hiểm khó tính của Google này sẽ thậm chí sẽ đưa bạn vào Blacklist (Danh sách đen) khiến cho Google sẽ một đi không trở lại. Chia buồn cùng bạn, website của bạn đã bị phạt!

Do đó, nếu bạn thật sự biết được hiệu quả của việc có thứ hạng cao trên kết quả tìm kiếm Google thế nào và thật sự quan tâm. Nên tìm đến những đối tác thiết kế website có kinh nghiệm làm SEO uy tín và nhờ họ tư vấn ngay từ giai đoạn thiết kế web.

Xem thêm bài viết sau đây mà Viet Solution từng chia sẻ để biết thêm về cách Google thu thập nội dung và cách để giúp Google crawl website của bạn nhanh hơn: Google thu thập nội dung website của bạn như thế nào?

Google index website của bạn như thế nào?

Như đã đề cập ở trên, sau quá trình crawl dữ liệu sẽ là quá trình lập chỉ mục. Quá trình này có thể hình dung rằng sau khi đội thám hiểm Google trở về từ chuyến tham quan lãnh địa của bạn, họ sẽ bắt đầu sắp xếp thông tin thu thập được và các thông tin và chỉ số của bạn sẽ được niêm yết trong một hệ thống thông tin đồ sộ.

Sau đó, khi có người có nhu cầu liên quan đến nơi của bạn, Google sẽ giới thiệu nơi các nơi mà họ đã tham quan với thứ tự đánh giá theo tiêu chí của họ. Đây chính là quá trình khi người dùng tìm kiếm và Google tra cứu thông tin từ cơ sở dữ liệu của mình hiển thị cho người dùng.

Chưa hết, đến đây đôi khi cũng chỉ là sự khởi đầu, sau khi có người ghé thăm website của bạn, Google tiếp tục đánh giá website của bạn thông qua những thông tin phản hồi từ người dùng như: hành vi truy cập, sự chia sẻ và đánh giá của họ. Lúc này Google vẫn liên tục có những đánh giá lại với thông tin mà họ thu thập được thêm.

Đến đây, nếu bạn là một người làm SEO hay bắt đầu làm SEO. Đổi lại vai trò, bạn sẽ là nhà thám hiểm vương quốc Google. Bạn cần tìm hiểu các thuật toán của Google để hiểu được cách sắp xếp chỉ mục của họ. Google hiện có hàng trăm tiêu chí xếp hạng chính và hàng nghìn tiêu chí nhỏ. Kể từ năm 2011, Google đã từng tuyên bố họ sẽ có khoảng 500 cập nhật mỗi năm trong việc điều chỉnh, thay đổi tiêu chí. Hãy bắt đầu chuyến hành trình của bạn bằng cách search Google với những kiến thức SEO/SEM liên quan.

Những điều bạn cần lưu ý

Làm thế nào để Google crawl tốt website của bạn?

Để Google truy cập website của bạn tốt hơn, sau đây là một vài điều tóm tắt mà bạn cần lưu ý:

  1. Cấu trúc website: Cấu trúc website tốt sẽ giúp Google dễ dàng phát hiện ra những liên kết để Crawl sâu vào website của bạn. Hạn chế deep link (liên kết sâu), theo khuyến cáo của các chuyên gia hạn chế những liên kết phải tốn đến hơn 5 click chuột để tiếp cận.
  2. Sử dụng Sitemap: việc liệt kê những đường dẫn đến nội dung mà bạn có trong file sitemap và submit đến Google để giúp Google biết đến sự tồn tại những deep link, giúp Google crawl nội dung website của bạn một cách đầy đủ.
  3. Tăng tốc độ tải web: Thời lượng Googlebot vào website của bạn là giới hạn mỗi ngày, do đó việc tăng tốc độ tải trang web sẽ giúp Google crawl được website của bạn nhanh hơn. Crawl nhanh hơn tất yếu cũng sẽ crawl được nhiều hơn trong cùng một khoảng thời gian nhất định.
  4. Giảm dung lượng website & giảm tổng số yêu cầu trên trang: Dung lượng website nhẹ cũng giúp cho website được tải nhanh hơn như đã nói ở trên. Giảm dụng lượng bằng cách giảm các mã nguồn dư thừa và giảm kích thước, dung lượng hình ảnh.
  5. Tăng chất lượng nội dung: Việc giảm dung lượng hay tối ưu tốc độ đôi khi làm giảm chất lượng nội dung. Ví dụ bạn dùng hình ảnh quá nhỏ hay quá mờ. Do đó bạn cần phải cân đối với tiêu chí này. Chất lượng nội dung được Google đánh giá tốt sẽ tăng độ quan tâm của Googlebot, giúp Googlebot ghé thăm thường xuyên hơn.
  6. Cập nhật nội dung đều đặn: Mật độ cập nhật nội dung của bạn cũng ảnh hưởng đến mức độ ghé thăm của Googlebot.
  7. Monitor lỗi phản hồi từ Google: Sử dụng công cụ Google Webmaster Tools thường xuyên và nhận thông báo kịp thời từ Google các lỗi mà Google phản hồi và khắc phục. Một website quá nhiều lỗi sẽ khiến Google đánh giá thấp.
  8. Phát triển liên kết đến mạng xã hội và các website: Việc xuất hiện thường xuyên ở các trang web khác mà Google ghé thăm sẽ là tín hiệu giúp Google lưu ý đến nội dung được liên kết và liệt kê vào danh sách ghé thăm.

Làm thế nào để Google index tốt website của bạn?

Ở đây, cần làm rõ Google index tốt nghĩa là Google cũng sắp xếp thứ hạng website của bạn tốt chứ không chỉ đơn thuần là Google index. Cần lưu ý Google index nhanh là một tín hiệu tốt, nhưng chưa hẳn website của bạn sẽ được đánh giá và sắp xếp thứ hạng tốt. Có thể xem và hiểu rằng đây là tiêu chí cộng hưởng. Vậy làm thế nào để Google index tốt website của bạn? Câu trả lời đơn giản nhất là làm sao cho website của bạn được Google đánh giá cao với các tiêu chí đánh giá của Google.

Như đã nói, có hàng trăm tiêu chí chính và hàng nghìn tiêu chí phụ, việc của bạn là cần tìm hiểu càng sâu và càng nhiều các tiêu chí để tối ưu hoá website của mình. Tuy nhiên, ở đây Viet Solution đưa ra vài điều bạn cần lưu ý:

  1. Google crawl: đã được đề cập ở trên nên không nhắc lại. Tất yếu khi Google crawl website của bạn tốt, bạn cũng đã đáp ứng được phần nào trong các tiêu chí đánh giá của Google. Tạo ra những khởi đầu tốt đẹp cũng sẽ giúp ích rất nhiều và thuận lợi về sau.
  2. Biên tập nội dung: Nội dung cần được biên tập tốt và chất lượng, quan trọng nhất là sự liên quan.
  3. Phổ biến liên kết: Trong tương lai gần, liên kết thuần tuý có thể bị giảm độ quan trọng trong tiêu chí đánh giá của Google khi Google phát triển ML (Machine Learning - Máy học) & AI (Artificial Intelligence - Trí tuệ nhân tạo). Thế nhưng liên kết được người dùng yêu thích và click nhiều, được người dùng chia sẻ nhiều một cách tự nhiên cũng sẽ giúp cho website của bạn được đánh gái cao.
  4. Hãy suy nghĩ giống Google: Mục đích của Google là tạo ra cỗ máy tìm kiếm giúp người dùng tìm kiếm những thông tin hữu ích nhất một cách tiện lợi nhất. Các kỹ sư của họ vẫn đang miệt mài làm việc này để nâng cấp cỗ máy của họ. Suy nghĩ giống Google là hướng đến người dùng. Nếu bạn có đủ kiến thức, đôi khi có thể nói bạn có thể đi trước cả Google về việc hướng người dùng. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn và không quá lo ngại với những cập nhật thay đổi liên tục của Google.
  5. Hãy hướng đến người dùng: Như tiêu chí trên, mục đích của Google cũng chỉ là hướng đến người dùng. Tạo ra website hướng đến người dùng sẽ giúp cho website của bạn tồn tại bền vững hơn trên Google. Đừng quá vì các yếu tố kỹ thuật mà khiến website mất điểm trong mắt người dùng. Cần nhớ rằng SEO/SEM cũng chỉ là mang người truy cập đến website của bạn, đừng bỏ qua việc sau đó họ có đi đến quyết định mua hàng hoặc quay lại sử dụng dịch vụ của bạn nữa hay không.