Hotline: 0936 567 345
Số 25 Đường 23 (Phạm Văn Đồng), Q. Thủ Đức, Tp.HCM
Kinh doanh: sales@vietsol.net - Hỗ trợ: support@vietsol.net

Đặc điểm mua sắm trực tuyến của người Việt

Nam mua quần áo qua mạng nhiều hơn nữ, nữ mua đồ điện tử qua mạng không kém bao nhiêu so với nam, người lướt web nhiều chưa chắc đã hay mua hàng trực tuyến bằng người xem TV nhiều...

Đó là một số nét có thể rút ra trong kết quả khảo sát về thói quen và đặc điểm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam, do ông Xavier Depouilly – Giám đốc phát triển kinh doanh và dịch vụ khách hàng của Kantar Media Vietnam - công bố tại Hội thảo quốc tế TMĐT Việt Nam 2010.

Khảo sát cho thấy giới trẻ, độ tuổi từ 15 - 24, là lực lượng mua hàng trực tuyến tích cực nhất. Chia theo tình trạng hôn nhân, những người độc thân có xu hướng mua sắm qua mạng cao hơn so với những người đã kết hôn. Về mặt giới tính, cho dù trong từng nhóm hàng có tỷ lệ khác nhau giữa nam và nữ tham gia mua bán, nhưng mức chênh không đáng kể. Đáng chú ý là tỷ lệ nam mua quần áo qua mạng nhỉnh hơn hơn nữ (có lẽ do nữ thích đến tận nơi xem hàng?). Trong khi đó, tỷ lệ nữ mua DVD, đồ điện tử qua mạng không kém nam là mấy.

Nhóm hàng được mua trực tuyến nhiều nhất là quần áo (35%), vượt xa nhóm kế cận là giày dép với 14%. Tiếp theo là các nhóm: ĐTDĐ và phụ kiện (12%), máy tính và/hoặc phụ kiện (8%), sách (7%)…

Người Việt thường có thói quen tận dụng Internet ở công sở để lướt web, nhưng theo khảo sát của Kantar, lượng truy cập Internet vào Thứ 7, Chủ nhật không ít hơn so với ngày thường là bao nhiêu, và thời gian được sử dụng để truy cập Internet nhiều nhất trong ngày lại vào khoảng từ 19 - 22 giờ chứ không phải vào ban ngày. Điều này cho thấy đường truyền băng thông rộng kéo đến từng hộ gia đình phát triển nhanh thời gian gần đây đang hỗ trợ tích cực cho người dùng gia đình kết nối Internet. Đây được coi là tiền đề tốt cho việc mua sắm tại gia phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, có lẽ các dịch vụ Internet cũng góp phần làm tăng lượng người online trong ngày nghỉ, giờ nghỉ.

Thực tế số thuê bao Internet băng thông rộng chưa phải là cao (trên 3,5 triệu thuê bao, theo số liệu thống kê có đến tháng 10/2010 của VNNIC), nhưng theo báo cáo, có nhiều cách để doanh nghiệp tiếp cận người mua hàng trực tuyến. Khảo sát cho thấy điện ảnh và báo chí là 2 kênh có tác động rất lớn đến người mua hàng trực tuyến. Người mua hàng trực tuyến thường xem TV trên 4 giờ mỗi ngày, trong khi họ chỉ dùng trên 1 giờ cho việc truy cập Internet.

Các mạng truyền hình cáp đang phát huy hiệu quả trong việc đưa hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp tới tận phòng ngủ của các gia đình ở thành phố. Nhưng khu vực rộng lớn đầy tiềm năng ở nông thôn thì vẫn chưa với tới được. Đây là nơi để báo chí, radio và Internet phát huy thế mạnh.

Khảo sát của Kanta đánh giá cao tiềm năng phát triển TMĐT ở Việt Nam căn cứ trên tỷ lệ 27% dân số truy cập Internet do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) công bố tại thời điểm khảo sát. Theo thông báo mới nhất của VNNIC, tính đến tháng 10/2010, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã đạt con số 26 triệu, chiếm hơn 30% tổng số gần 90 triệu dân của cả nước.

Tuy nhiên, báo cáo cho biết mới chỉ có 5% số người dùng Internet mua sắm trực tuyến. Đây là một tỷ lệ quá thấp, vì nên nhớ rằng khảo sát được thực hiện ở các thành phố lớn, và theo báo cáo thì ở khu vực đô thị đã có đến một nửa (49,8%) số người sử dụng Internet trong tháng trước.

Trong số những người mua hàng qua mạng, có đến 90,8% thanh toán bằng tiền mặt. Ngoài thói quen mua bán kiểu “tiền tươi thóc thật” của người Việt và vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến, theo ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, người dùng Việt Nam (cụ thể là khu vực TP.HCM) vẫn chưa yên tâm với chất lượng hàng hóa và dịch vụ của nhà cung cấp. Đây là điều các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cần lưu ý.

Pcworld VN